Kinh tế Nghĩa Đàn

Các nguồn tài nguyên

Tài nguyên đất

Tổng diện tích tự nhiên huyện Nghĩa Đàn là 61.754,55ha theo tài liệu điều tra thổ nhưỡng Nghệ An. Trong đó:

  • Nhóm đất nông nghiệp: 53.287,29ha, chiếm 86,29%
  • Nhóm đất phi nông nghiệp: 7.821,51ha, chiếm 12,67%
  • Nhóm đất chưa sử dụng: 645,75ha, chiếm 1,05%

Trên địa bàn huyện có các loại đất chính sau:

  • Đất phù sa được bồi hàng năm chua: Phân bố dọc hai bên sông Hiếu. Hàng năm về mùa mưa thường được bồi đắp một lớp phù sa mới dày từ 2 – 10 cm. Thích hợp với trồng các loại cây hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
  • Đất phù sa không được bồi chua: Là loại đất trước đây cũng được bồi đắp phù sa, song chịu tác động của yếu tố địa hình, đặc biệt là quá trình đắp đê ngăn lũ nên không được bồi đắp thêm phù sa mới nữa. Trồng các loại cây hoa màu lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày như: lúa, ngô, khoai, lạc, mía.
  • Đất phù sa ngòi suối: Đất được hình thành do sự vận chuyển các sản phẩm phù sa không xa, cộng thêm với những sản phẩm từ trên đồi núi đưa xuống. Là loại đất có độ phì tự nhiên thấp. Thích hợp với trồng các loại cây hoa màu lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, khoai, đậu, vừng, lạc.
  • Đất đen và tro núi lửa: Chiếm diện tích không đáng kể. Phân bố ở chân miệng núi lửa vùng Phủ Quỳ như Hòn Mư. Loại đất này có độ phì nhiêu khá, kết cấu đất tơi xốp, thuận lợi trồng các loại cây hoa màu lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày.       
  • Đất đen trên sản phẩm bồi tụ của bazan: Đất được hình thành do sự bồi tụ của các sản phẩm phong hoá của đá bazan. Có độ phì khá. Địa hình thấp thường là thung lũng ven chân đồi, thích hợp trồng lúa nước.
  • Đất đen trên sản phẩm bồi tụ của cacbonat (đá vôi): Đất hình thành trong tình trạng thoát nước yếu, nước mạch chứa nhiều canximagiê cung cấp cho đất. Loại đất có độ phì nhiêu khá. Thích hợp với trồng các loại cây hoa màu lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày. Nơi đất cao trồng mía.    
  • Đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính: Đất nâu đỏ bazan phát triển trên các đồi dốc thoải. Có đặc tính lý hoá học tốt thích hợp với trồng cây lâu năm như: cà phê, cao su và các loại cây ăn quả.    
  • Đất đỏ nâu trên đá biến chất: Đất được hình thành trên sản phẩm phong hoá của đá biến chất (philit, phiến thạch mica, gơnai). Đây là loại đất có độ phì trung bình thích hợp với trồng các loại cây lâu năm.
  • Đất đỏ vàng trên đá sét : Đất được hình thành trên sản phẩm phong hoá của đá mẹ phiến sét. Thích hợp trồng cây hoa màu và cây lâu năm. 
  • Đất vàng đỏ trên đá macma axit: Đất được hình thành trên sản phẩm phong hoá của đá macma axit (granit, riolit). Loại đất có độ phì nhiêu kém. Do đất phần lớn ở địa hình dốc nên sử dụng theo phương thức nông lâm kết hợp ở vùng đất có độ dốc từ 15 - 25o.    

Tài nguyên rừng

Toàn huyện có 18.205,10ha diện tích rừng, trong đó: rừng tự nhiên 9.205,10ha, rừng trồng 9.000ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 25,40%. Rừng trồng chủ yếu là keo, tràm; có khả năng phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản ở Nghĩa Đàn có các loại sau:

- Đá bọt Bazan (làm nguyên liệu phụ gia cho xi măng và xay nghiền đá Puzơlan) phân bố ở các xã Nghĩa Mai, Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm,... với trữ lượng khoảng 70 - 100 triệu tấn.

- Mỏ sét ở Nghĩa An, Nghĩa Liên, Nghĩa Lộc, Nghĩa Hồng trữ lượng ít, chỉ khoảng trên 1 triệu m3.

- Mỏ đá vôi ở Nghĩa Tân, Nghĩa Hiếu trữ lượng khoảng 45 triệu m3.

- Mỏ đá xây dựng ở Nghĩa Tân, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Trung, Nghĩa Đức,...

- Vàng sa khoáng ở sông Hiếu.

- Mỏ than ở Nghĩa Thịnh.

Các loại khoáng sản trên đều chưa được khảo sát chất lượng, trữ lượng cụ thể và thực tế khai thác chưa đáng kể.

Tài nguyên nước, thuỷ văn

Nguồn nước mặt: Nghĩa Đàn nằm trong lưu vực sông Hiếu, là nhánh sông lớn nhất của hệ thống sông Cả, bắt nguồn từ biên giới Việt - Lào, qua các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp về Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, gặp sông Cả tại Cây Chanh (huyện Anh Sơn). Sông Hiếu có chiều dài 217 km, đoạn chạy qua Nghĩa Đàn dài 30,10 km (từ ngã ba Dinh đến Khe Đá).] Tổng diện tích lưu vực 5.340 km².

[null Ngoài sông Hiếu, Nghĩa Đàn có 48 sông suối lớn nhỏ, trong đó có năm nhánh  chính:] Sông Sào dài 34 km, Khe Cái dài 23 km, [null Khe Hang dài 23 km, Khe Diên dài 16 km, Khe Đá dài 17 km.]

- Nguồn nước ngầm: Mạch nước ngầm của Nghĩa Đàn tương đối sâu và có nhiều tạp chất của khoáng vật. Khả năng khai thác nguồn nước ngầm phục vụ các ngành sản xuất là rất khó khăn.

Tài nguyên nhân văn

Nghĩa Đàn là huyện trung du miền núi nằm về phía Bắc tỉnh Nghệ An. Nơi đây là cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học Làng Vạc, những chiếc trống đồng biểu tượng rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn từ thuở các Vua Hùng dựng nước; là nơi gặp gỡ, hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Phủ Quỳ.]

Nghĩa Đàn có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp, nổi bật như cánh đồng hoa hướng dương của Công ty CP thực phẩm sữa TH, mỗi năm diện tích trồng hoa hướng dương lên tới 50ha, thu hút hàng nghìn du khách về tham quan.

Ngoài ra, còn có các sản phẩm và làng nghề truyền thống từ hàng trăm năm như: làng nghề chổi đót Hòa Hội (Nghĩa Hội), làng nghề ép mía chế biến đường làng Găng (Nghĩa Hưng) vừa góp phần phong phú trong sinh hoạt vừa nâng cao thu nhập cho người dân.

Một số loại cây trồng

Cam Vinh

Với ưu thế về thổ nhưỡng, đất đai của vùng đất Phủ Quỳ; trong những năm gần đây, diện tích trồng cam huyện Nghĩa Đàn có xu hướng tăng; cụ thể năm 2010 diện tích là 320ha (diện tích kinh doanh 203ha), năm 2015 là 507,17ha (diện tích kinh doanh 314,67ha). Năng suất bình quân đạt 150,98 tạ/ha, sản lượng 4.751 tấn. Cam chủ yếu tập trung ở các vùng Nông trường Cờ Đỏ, Nghĩa Hồng, Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm, Nghĩa Hiếu,…

Trên địa bàn đã xây dựng cánh đồng lớn cho cây cam ở các xã như Nghĩa Phú, Nghĩa Minh, Nghĩa Bình, Nghĩa Thọ với quy mô từ 3 - 6ha, giống cam được sử dụng chủ yếu là cam Xã Đoài.

Tổng diện tích trồng bơ trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn khoảng 35ha, tập trung ở các xã Nghĩa Phú, Nghĩa Bình với các giống bơ bản địa được trồng từ hơn 20 năm trước và một số loại giống bơ mới có nguồn gốc từ nước ngoài.

Sản phẩm Bơ trồng tại Nghĩa Đàn có chất lượng không thua kém bơ Daklak và hiện nay đã xây dựng nhãn hiệu tập thể "Bơ Nghĩa Đàn" và thương hiệu "Bơ Phủ Quỳ"

Quýt PQ

Cây quýt PQ được người dân xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Long huyện Nghĩa Đàn lựa chọn đưa vào sản xuất.

Ổi

Ổi Nghĩa Đàn bước đầu đã tạo dựng được thương hiệu và đã xây dựng thương hiệu "Ổi Nghĩa Đàn"

Rau củ quả

Sản xuất rau xanh cơ bản được tiêu dùng trên địa bàn và bán ra các địa phương khác với các sản phẩm chính như: bí xanh, bầu đỏ, dưa hấu, dưa chuột,… Bước đầu đã hình thành được một số vùng trồng rau tập trung thâm canh theo hướng sản xuất sạch như ở xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phú,…

Là nhóm cây trồng phong phú về chủng loại; nhờ được quan tâm đầu tư sản xuất, thu nhập từ nghề trồng rau thực phẩm tương đối ổn định và cao hơn nhiều loại cây trồng khác; góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Hiện nay, dự án rau sạch FVF theo tiêu chuẩn VietGAP và Organic của Công ty CP sản xuất và cung ứng rau quả Quốc tế được thực hiện tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn với diện tích hơn 100ha được trồng trong nhà kính và trên cánh mở. Với quy trình chăm sóc tốt, kiểm soát phân bón chặt chẽ, chất lượng được quản lý nghiêm ngặt cùng nguồn nước sạch và nguồn dinh dưỡng thuần khiết giúp rau củ quả phát triển tự nhiên; đảm bảo cung ứng ra thị trường các sản phẩm sạch và an toàn.

Ngoài ra, trên địa bàn đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất cao cưỡng để trồng bí xanh ở xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Hội; đậu tương, lạc ở xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Trung nhằm tăng năng suất trên đơn vị diện tích và hạn chế sâu bệnh phát triển.